Sống khoẻ mỗi ngày

5 cách tăng cường sức khỏe đề kháng bạn cần biết

20/04/2022

Đề kháng là gì? 
Đề kháng là khả năng phòng vệ của cơ thể, được coi là hàng rào chống lại sự xâm nhập của các yếu tố ngoại lai gây bệnh như: virus, vi khuẩn, ký sinh trùng,... Nếu có một sức đề kháng tốt, cơ thể bạn sẽ ngăn chặn được những tác nhân gây hại từ môi trường xung quanh hoặc tìm cách loại bỏ, tiêu diệt nếu chúng đã xâm nhập vào bên trong.

Hệ thống miễn dịch của con người gồm có 3 loại: miễn dịch tự nhiên (hay bẩm sinh), miễn dịch thu được (hay miễn dịch thích nghi) và miễn dịch thụ động. Trong đó, miễn dịch tự nhiên là dòng đáp ứng miễn dịch đầu tiên của cơ thể, liên quan đến di truyền (da, niêm mạc…).

Người dễ bị suy giảm sức đề kháng?

  • Người cao tuổi: các tế bào miễn dịch của họ trở nên yếu ớt, già nua và chậm chạp hơn trong việc chiến đấu chống lại virus như khi trẻ tuổi.
  • Người mắc các bệnh mãn tính như: tim mạch, gan, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mãn tính, sử dụng thuốc (kháng sinh, thuốc chống viêm, corticosteroids, thuốc kháng miễn dịch, thuốc điều trị ung thư…)
  • Trẻ em: Giai đoạn từ 6 tháng – 3 tuổi được coi là “khoảng trống miễn dịch” của trẻ, vì hệ miễn dịch chưa được phát triển hoàn thiện, trẻ rất dễ mắc bệnh do sức đề kháng còn yếu.
  • Phụ nữ mang thai: mẹ bầu cũng là đối tượng dễ bị suy giảm sức đề kháng tạm thời, phải đối mặt với nguy cơ cao bị nhiễm trùng và khi mắc bệnh có thể dễ bị nặng, khó điều trị hơn so với người bình thường, lý do là một số loại thuốc chống chỉ định với phụ nữ mang thai.
  • Người mới ốm dậy: Sau khi bị ốm hoặc ốm dậy, tình trạng chung của người bệnh là cơ thể mệt mỏi, miệng đắng, ăn không ngon miệng, chán ăn, tinh thần kém… và đây là khoảng thời gian hệ miễn dịch bị ảnh hưởng, tạo cơ hội thuận lợi cho các vi khuẩn, virus xâm nhập.

Cách tăng cường sức đề kháng

  1. Thay đổi lối sống: Thói quen sức khỏe xấu có thể làm khiến hệ thống miễn dịch hoạt động một cách trì trệ. Trước tiên cần phải giảm bớt căng thẳng, đó là thay đổi quan trọng nhất. Chúng ta có thể thư giãn bằng cách tập thể dục hàng ngày và kiểm soát căng thẳng. Bên cạnh đó, cần ngủ đủ giấc từ 7-8 giờ mỗi đêm để đẩy mạnh hệ thống miễn dịch của cơ thể.
  2. Tập thể dục: giúp tăng cường hệ thống miễn dịch. Tập thể dục cũng giúp tăng mức IgA - một loại protein có trong hệ thống miễn dịch để chống lại nhiễm trùng, giúp ngăn chặn các mối đe dọa ra khỏi cơ thể và loại bỏ bất kỳ thứ gì xâm nhập vào cơ thể. 
  3. Chế độ ăn uống lành mạnh: dinh dưỡng hợp lý là điều cần thiết để hệ thống miễn dịch hoạt động tốt. Bạn nên lựa chọn các loại hoa quả, thực phẩm như: trái cây và rau màu xanh đậm, đỏ, vàng và cam được đóng gói với chất chống oxy hóa, các loại quả mọng, trái cây họ cam quýt, kiwi, táo,... Các thực phẩm tăng cường miễn dịch khác bao gồm tỏi tươi, có đặc tính kháng vi-rút và kháng sinh. 
  4. Không lạm dụng các chất kích thích: Uống một lượng rượu vừa phải giúp đạt được một số lợi ích nhất định cho sức khỏe, chẳng hạn như giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Đàn ông không nên uống quá hai ly một ngày và phụ nữ không nên uống quá một ly. Nếu uống quá nhiều rượu có thể ức chế chức năng của các tế bào bạch cầu và làm giảm khả năng chống nhiễm trùng của bạn. Sử dụng các chất kích thích, bao gồm cần sa, có tác dụng tương tự đối với các tế bào bạch cầu, làm suy yếu hệ thống miễn dịch của bạn.
  5. Tiêm vắc-xin: Hầu hết tất cả người lớn và trẻ em nên tiêm vắc - xin phòng bệnh viêm phổi và tiêm phòng cúm, đặc biệt là người cao tuổi và bất cứ ai có hệ thống miễn dịch bị suy yếu do một căn bệnh nào đó gây ra, chẳng hạn như HIV, ung thư…