Tên khác: Hạnh đắng, Hạnh nhân đắng.
Hạt lấy ở quả chín phơi khô của cây Sơn hạnh: Prunus armeniaca.
Họ Hoa hồng: Rosaceae
Mô tả: Hạt hình tim dẹt, dài 1-1,9cm, rộng 0,8-1,5cm, dày 0,5- 0,8 cm. mặt ngoài màu nâu vàng đến nâu thẫm, một đầu hơi nhọn, một đầu tròn, hai bên trái và phải không đối xứng, ở đầu nhọn có rốn vạch ngắn nổi lên. Ở phía đầu tròn có một hợp điểm với nhiều vân màu nâu sẫm toả lên. Vỏ hạt mỏng, hạt có 2 lá mầm màu trắng kem, nhiều dầu béo. Không mùi, vị đắng.
Thành phần hoá học: ở hạt chứa Amygdalin 2%, dầu béo 50% , các acid : Myristic 1,1%, palmitic 3,5%, Stearic 2,0%, oleic 73,4%, linoleic 20%.
Định tính - Định lượng: DĐVN III – Trang 392- 393.
Độ ẩm: không quá 7% (PL 9.6).
Không bị ôi: Nghiền vài hạt dược liệu với nước nóng không được ngửi thấy mùi ôi của dầu.
Tạp chất: Không được có tạp chất và mảnh vụn của vỏ quả trong (PL 9.4).
Bào chế: Khổ hạnh nhân: Loại bỏ tạp chất, khi dùng giã nát.
+ Đàn khổ hạnh nhân: Lấy khổ hạnh nhân sạch, luộc đến khi vỏ ngoài hơi nhăn, vớt ra ngâm nước lạnh, sát bỏ vỏ, phơi khô, khi dùng giã nát.
+ Sao khổ hạnh nhân: Lấy đàn khổ hạnh nhân, sao nhỏ lửa đến vàng, để nguội, khi dùng giã nát.
Bảo quản: Để nơi khô mát, kín, tránh mốc, mọt.
Tính vị , quy kinh: Khổ, vi ôn, ít độc. Vào kinh phế, đại trường.
Công năng: Giáng khí, chỉ khái, bình suyễn, nhuận tràng, thông tiện.
Chủ trị: Ho khí suyễn, ngực đầy tức, đờm nhiều, huyết hư, tân dịch khô, táo bón.
Liều dùng: 4,5 – 9g/ ngày.
Chú ý: Không dùng quá liều, tránh trúng độc.
Kiêng kỵ: Ho do âm hư không nên dùng. Phế có nhiệt đờm dùng thận trọng.
Phân bố: Nguồn gốc từ Trung quốc, Nhật bản. Ở Việt nam cây được trồng nhiều từ vùng Thanh hoá trở ra.
Chế phẩm có Hạnh nhân: Viên nang Cảm cúm – ho Yba.